Kinh tế

Đổi thay trên vùng đất khát

06/08/2015 00:00 195 lượt xem

Nằm trên Cao nguyên đá Đồng Văn, có thể nói Mèo Vạc là huyện khó khăn nhất của tỉnh, núi đá chiếm gần 2/3 diện tích, thiếu nước sinh hoạt, thiếu đất canh tác sản xuất. Vì vậy, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và xoá đói, giảm nghèo của nhân dân.
Xác định được điều đó, trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ nhiều chính sách giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện nhà đã phát huy nội lực, đổi mới cách nghĩ, cách làm bằng việc xây dựng chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung vào các khâu đột phá gồm: Công nghiệp; thương mại, dịch vụ, du lịch; xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; đào tạo nguồn nhân lực và tập trung vào 3 hướng mũi nhọn: Chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ; chuyển đổi đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao theo hướng hàng hoá; phát triển kinh tế cửa khẩu và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm,...Vì vậy, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII; trong sản xuất nông nghiệp đã có bước đột phá. Sản lượng lương thực đạt 34.516,8 tấn, vượt 0,34% so với Nghị quyết; giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng ước đạt 512,88 tỷ đồng, tăng 8,55 lần so với năm 2010 và vượt 46,54% so với Nghị quyết; chăn nuôi tiếp tục khẳng định tiềm năng, thế mạnh và giữ vai trò mũi nhọn. Đến năm 2015, tổng đàn trâu, bò có 30.482 con, tăng 4,25 lần so với năm 2010. Giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản có bước phát triển khá và đạt 438,32 tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn năm 2014 đạt 74 tỷ đồng. Hoạt động thương mại ngày càng phát triển sôi động, đặc biệt là hệ thống nhà hàng, dịch vụ ăn uống và khách sạn, nhà nghỉ mọc lên ngày càng nhiều, đáp ứng tốt nhu cầu của du khách đến tham quan.

Anh Nguyễn Lương Hùng – du khách Hà Nội, lần đầu tiên đến Mèo Vạc cũng không khỏi ngạc nhiên vì sự đổi thay của một thị trấn vùng cao. Anh cho biết: “Tôi không nghĩ Mèo Vạc lại có khách sạn Hoa Cương, nhà hàng Xuân Hạc đẹp như vậy. Các cơ quan nhà nước thì được bố trí quy hoạch ngăn nắp, đường giao thông được mở rộng và vệ sinh sạch sẽ. Ngoài ra, chợ Mèo Vạc lớn nhất trong các huyện vùng cao phía Bắc và nhân dân trao đổi mua bán hàng hoá tấp nập, đặc biệt vào chợ phiên ngày chủ nhật”. Đây có lẽ không phải là lời khen ngợi quá lời, bởi nhiều du khách các nơi khi đến thăm Mèo Vạc, chứng kiến sự đổi thay nhanh chóng của mảnh đất núi đá này cũng đã thốt lên những lời như vậy và cảm phục về sự năng động, sáng tạo vượt khó đi lên của người dân nơi đây.

Để tạo ra diện mạo phát triển mới cho thị trấn Mèo Vạc, trong thời gian tới, các huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên tham mưu làm tốt công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị, trồng nhiều cây xanh dọc các tuyến đường và xây dựng các tuyến phố sáng, xanh, sạch đẹp và văn minh, nhằm từng bước đưa nơi này trở thành điểm sáng trên Cao nguyên đá.

Giờ đây, khi đến với Mèo Vạc, đi trên những tuyến đường trung tâm huyện lỵ, quốc lộ 4C và Tỉnh lộ 176 rộng thênh thang, sạch đẹp; ngắm từng hàng cây bằng lăng, hoa ban tím nở rộ ven đường, bên cạnh những ngôi nhà mới mọc lên ngày càng nhiều, ta sẽ cảm nhận được hơi thở cuộc sống sôi động của người dân  đang cần cù, nỗ lực vượt khó đi lên, xua tan nghèo đói để cho một Mèo Vạc ngày một đổi thay...

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập