Giới thiệu chung về Cao nguyên đá

Mùa hoa tam giác mạch

17/10/2014 00:00 537 lượt xem

Nếu chưa bao giờ nhìn thấy hoa tam giác mạch, chỉ nghe cái tên gọi như môn toán hình học ấy, bạn sẽ không thể hình dung được trên đời này lại có một loại cây lương thực lại cho một mùa hoa kỳ diệu đến vậy.

 Hà Giang có nhiều mùa hoa đẹp nối nhau. Khó có thể cắt nghĩa được ở cái xứ chỉ toàn đá, hiếm đất, hiếm nước ấy lại có những mùa hoa quanh năm, mùa nối mùa, có mùa hoa đẹp tinh khôi nguyên đán, có mùa hoa rực vàng dấu yêu, có mùa hoa tím hồng biêng biếc…Nhưng tam giác mạch là loài hoa kỳ lạ nhất, mang đến nhiều cảm xúc nhất cho khách đến Hà Giang. Nếu hoa đào, hoa mận mang lại cho Hà Giang vẻ đẹp của sức sống mùa xuân, những thân cành của hoa đào, hoa mận mọc từ núi đá nên gân guốc và can trường sau những lớp rêu và địa y, nhìn dáng hoa rất đăng đối với vẻ trầm mặc của dáng núi thì tam giác mạch lại là loài hoa thân thảo, mềm mại và yểu điệu. 



Vì mềm mại và yểu điệu nên hoa tam giác mạch trở nên tương phản với hình ảnh của cao nguyên đá. Những đá núi dựng ngang trời sừng sững can trường đã khiến cho vẻ đẹp mong manh của hoa tam giác mạch trở nên kiêu sa hơn. Và ngược lại, chính vẻ đẹp mềm mại của tam giác mạch càng tôn lên vẻ kiêu bạc cứng cáp và can trường của cao nguyên đá.

Cứ tầm tháng 10, tháng 11, khi mùa đông rẻo cao bắt đầu báo hiệu với những cơn gió bấc tràn về từ bên kia biên giới thì những thân cảnh mảnh mai của hoa tam giác mạch chúm chím những nụ hoa trắng hồng trên những thửa ruộng bậc thang. Bạn đã từng nhìn thấy những ruộng lúa bậc thang chín vàng óng ả, xếp tầng tầng, lớp lớp viền quanh những mái đồi thì cứ thay cái sắc vàng của lúa bằng sắc tím hồng xen lẫn sắc trắng đỏ của tam giác mạch sẽ hình dung ra sức mê hoặc của loài hoa này.

Trên con đường từ thị trấn Yên Minh lên Lũng Cú, Đồng Văn, Mèo Vạc chỉ cần nhìn hai bên vệ đường sẽ thấy hoa tam giác mạch nở hồn nhiên như những tấm thảm hoa rực rỡ dưới ánh nắng mùa đông cao nguyên.


Thật ra ở vùng Tây Bắc có nhiều nơi trồng được tam giác mạch nhưng chỉ có vùng Hà Giang mới có được những núi hoa xinh đẹp đến vậy. Hãy nhìn kỹ một bông tam giác mạch, mầu hoa phớt hồng li ti, cánh chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác giữ ở giữa một hạt mạch quý. Thật bất ngờ với chúng tôi khi dừng lại bên một mảnh vườn ở Sủng Là. Thửa ruộng tam giác mạch của anh Mùa Nọ Hờ, ở bản Lũng Cạn Trên, xã Sủng Là tuy không rộng lắm nhưng cũng đủ hút hồn những du khách đang trên đường từ Hà Giang lên Đồng Văn dừng lại, sà vào giữa ruộng hoa để thưởng cho mình những tấm hình mang về xuôi khoe cùng bè bạn.
 
Anh Mùa Nọ Hờ cho biết, cây tam giác mạch này người Mông gọi là cây “Chez”, sau mùa lúa nương thu hoạch thì người dân bắt đầu cày những mảnh nương để gieo hạt tam giác mạch vào tầm tháng 8, tháng 11, 12 bắt đầu thu hoạch. Thân cây tam giác mạch khi còn non có thể dùng để luộc ăn như rau, nhưng đồng bào chủ yếu làm thức ăn cho lợn. Nếu để cây ra hoa, kết quả và thành hạt thì khi thu hoạch có thể xay thành bột làm bánh hay nấu món mèn mèn (như mèn mén ngô). Ngoài vụ chính vào mùa đông, sau mùa xuân, tầm tháng 2 đến tháng 4 cũng có thể gieo trồng tam giác mạch.

Mỗi sào tam giác mạch có thể cho thu hái được khoảng 50 cân hạt, tuy sản lượng không cao, nhưng bù lại tam giác mạch ngoài việc là cây lương thực như ngô, lúa, với người dân Mông ở Xín Mần có một bí quyết trộn hạt tam giác mạch với ngô để nấu rượu, tạo nên hương vị thơm ngon đặc biệt như rượu Cốc Pài ( huyện Xín Mần-Hà Giang) mà không một loại rượu nào có được.
 
Ấn tượng nhất với chúng tôi có lẽ là ruộng hoa tam giác mạch ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú. Ở đấy hoa tam giác mạch không mọc chênh vênh trên ruộng bậc thang mà mọc trên một khu ruộng phẳng rộng mênh mông chạy dài ngút ngát như một thảo nguyên.

Dưới nắng trưa, từ ruộng hoa nhìn lên đỉnh Lũng Cú với lá cờ Tổ quốc rộng 54 mét vuông tung bay trên đỉnh cột cờ địa đầu cực Bắc, niềm cảm khái linh thiêng về chủ quyền đất nước trào dâng trong chúng tôi. Đứng trước vẻ đẹp của núi non biên ải, của những bản làng bình yên, của mùa hoa tam giác mạch tinh khôi rực rỡ, dường như đây là lúc chúng tôi cận cảnh hơn với tình yêu Tổ quốc, nó rõ ràng và cụ thể, trong mỗi bông hoa, trong dáng quốc kỳ!

Và cũng chính vì vẻ đẹp nơi địa đầu Tổ quốc này mà giờ đây, ngày ngày có rất nhiều bạn trẻ lên Hà Giang. Mùa xuân ngắm hoa đào, mùa thu ngắm lúa chín trên ruộng bậc thang, mùa đông đi ngắm hoa tam giác mạch khoe sắc. Hoa tam giác mạch không chỉ góp phần tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn cho vùng địa đầu Tổ quốc nơi có địa danh “Công viên đá toàn cầu”. Mùa hoa ấy có một tiếng nói riêng, một hấp lực riêng thôi thúc những bước chân bạn trẻ tìm về Hà Giang khám phá và chiêm nghiệm, để cho mình hành trình từ biết yêu một mùa hoa đến yêu hơn Tổ quốc.
 
Chúng tôi cảm giác những đồng hoa đã chắt chiu cùng đá núi để dâng cho đời sắc hoa rực hồng, sắc hồng ấy dường như hắt ánh lên sắc cờ đang phần phật kiêu hãnh bay trên bầu trời cực Bắc, như một nhắn nhủ với hậu thế, hãy biết giữ gìn và bảo vệ từng tấc đất quê hương ngàn đời qua đã thấm máu cha ông.

Trong cái buổi trưa Lũng Cú ấy, trên sắc hoa tam giác mạch ràn rạt thành sóng hoa kiêu hãnh trước gió bấc, chợt vọng về câu thơ của Thu Bồn: “Cho con biển rộng sông dài/ Cho con lưỡi kiếm đã mài nghìn năm”. Yêu tha thiết một mùa hoa biên giới, cũng là để yêu tha thiết hơn cõi bờ Tổ quốc chúng ta!

 
Đến với Cao nguyên Đá Đồng Văn vào cuối tháng 10 bạn sẽ được chiêm ngưỡng những cánh đồng hoa tam giác mạch nở rộ trên khắp các thửa ruộng bậc thang, bao phủ một sắc hồng nhạt lên các sườn núi để che đi cái màu xam xám lạnh lẽo của một vùng "đá nhiều hơn đất". Với những thân mảnh mai của hoa chúm chím những nụ hoa trắng hồng mang lại cho những thửa ruộng lúa bậc thang một sắc màu khác biệt lộng lẫy và dịu dàng, những thửa ruộng hồng xếp tầng tầng, lớp lớp viền quanh những mái đồi như chiếc váy nhiều tầng của "nàng công chúa thiên nhiên" ban tặng cho nơi đây.
 
Loài hoa Tam Giác Mạch có sự tích khá hay chuyện kể về nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới, mày trấu, mày ngô chẳng biết làm gì bèn đổ vào khe núi. Cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt. Người người lấy hạt về ăn. Khi ngô hạt lúa trong nhà đã cạn mà vụ sau vẫn chưa tới, cái đói về u ám bản làng, chiều đã buông dài nơi rừng cây mà vẫn chưa thấy ai nhóm bếp. Một hôm mọi người họp nhau lại rồi chia đi khắp núi rừng để tìm cái ăn. Nhiều ngày trôi qua, nhiều nơi đã đến, nhiều hang cùng góc núi đã lục tìm mà vẫn chưa thấy gì có thể làm no cái bụng. Một hôm, thoảng bay trong gió mùi hương là lạ, từ trước đến giờ chưa ai được ngửi. Mọi người cùng tìm đến khe núi, và ai nấy đều ngỡ ngàng, một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia, nhìn kỹ mới thấy những cái lá có hình tam giác ẩn nấp khá kín ở dưới hoa. Khi kết hạt mọi người đem về ăn thử thấy ngon không kém gì ngô và gạo. Cái bụng đã ngủ yên không đòi ăn nữa. Khói bếp lại bay lên mỗi chiều. Vì cây là họ nhà lúa, lại được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá có hình tam giác, và thế là nó có tên “tam giác mạch”. Còn theo cách gọi của người Mông, tam giác mạch còn có tên gọi khác là “Chez”. Vào đầu tháng 8, sau mùa lúa nương thu hoạch, người dân ở đây bắt đầu gieo hạt tam giác mạch cho đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 thì bắt đầu thu hoạch. Thân tam giác mạch khi còn non có thể dùng để luộc ăn như rau. Nếu để cây ra hoa, kết quả và thành hạt, khi thu hoạch có thể xay thành bột làm lương thực.

 
Loài hoa này có màu hồng trắng li ti, cánh chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác, giữ ở giữa một hạt mạch quý. Người dân ở đây thường lấy bột của quả Tam Giác Mạch để làm bánh hoặc dùng hạt trộn với hạt ngô để nấu rượu tạo nên hương vị khá đặc biệt như rượu đặc sản Bản Phố (Bắc Hà), Nậm Pung (Bát Xát), Mản Thẩn (Si Ma Cai)...

Tác giả bài viết: Minh Quang ( ST )


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập