Gương người tốt, việc tốt

Nghèo mãi khổ lắm “ Ra thôi”

05/02/2021 07:40 199 lượt xem

XUÂN TÂN SỬU - Tuy cuộc sống vẫn còn khó khăn, mới chỉ đủ ăn, những với suy nghĩ “còn sức lao động vẫn đủ khả năng vươn lên thoát nghèo”. Hai hộ nông dân người Mông ở xã Nậm Ban đang viết lên một hành động đẹp cho thấy sự thay đổi về nhận thức tự vươn lên, rũ bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại của đồng bào nơi miền biên viễn.

Vượt 7km đường rừng, chúng tôi đến với thôn Nà Poòng, một trong những thôn, bản vùng sâu, vùng xa của xã Nậm Ban. Tới thăm gia đình anh Hầu Mí Na, sinh năm 1984 một trong 12 hộ người Mông của thôn. Trong căn nhà cấp IV bằng gỗ không lấy gì làm chắc chắn tọa lạc heo hút trên triền núi cao, độ dốc lớn, với 8 nhân khẩu, trong đó gia đình anh Na có 5 khẩu, ngoài ra là 3 người cháu con 2 người anh trai ruột do mắc bệnh hiểm nghèo nên đã qua đời, anh đã nhận cả 3 cháu về nuôi. Là hộ thuộc diện hộ nghèo N1 từ năm 2013 đến năm 2020, hằng năm gia đình đều được hưởng tất cả các chế độ, chính sách của nhà nước. Đến đầu năm 2021 với suy nghĩ bản thân và vợ con còn sức khỏe tốt còn nương, gia súc phải nỗ lực phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo. Anh đã bàn bạc, thống nhất với vợ con tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo. Nói là làm trong một lần họp thôn, khi đề cập đến công tác giảm nghèo của thôn anh đã mạnh dạn giơ tay đề xuất xin cho gia đình không hưởng các chế độ hộ nghèo nữa. Do vốn tiếng phổ thông còn hạn chế lại không được học hành tử tế. Anh đã nhờ chính quyền thôn giúp đỡ để làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo với mục đích lớn nhất là không muốn ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước nữa. Hành động khiến cả hội trường thôn bất ngờ và khâm phục ý chí, quyết tâm của anh Na. Anh Hoàng Văn Phù, Trưởng thôn Nà Poòng xã Nậm Ban cho biết: Trong thôn 53 hộ dân chỉ có 7 hộ người Mông, còn lại là người Giáy. Hành động xung phong xin ra khỏi hộ nghèo của anh Na rất đáng để các hộ học tập và làm theo. Tuy gia đình hoàn cảnh khó khăn, xong bằng nghị lực của mình anh đã làm được điều mà trước nay chưa có tiền lệ. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền nhân dân trong thôn mạnh dạn hơn nữa để vươn lên phát triển kinh tế.

Không chỉ anh Na, cách Nà Poòng gần 11km tại thôn Vị Ke, xã Nậm Ban gia đình Ông Sùng Mí Nô 46 tuổi và vợ là bà Lầu Thị Xia cũng đã mạnh dạn viết đơn xin thoát nghèo với mong muốn để con cháu noi gương, vươn lên phát triển kinh tế. Ở cái tuổi gần xế chiều còn phải nuôi 2 người con ăn học, song ông cũng mạnh dạn xin ra khỏi hộ nghèo. Mặc dù, hoàn cảnh còn khổ cực hơn so với những người khác. Ông cho hay, nghèo mãi khổ lắm đi đâu cũng xấu hổ phải ra thôi còn tư tưởng ỷ lại thì mãi nghèo từ đời này sang đời khác. Nếu khó khăn, thiếu thốn còn các chính sách xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước hỗ trợ. Ngoài ra, còn cộng đồng và các hội, đoàn thể xã nữa mình phải quyết tâm, chịu khó mới làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế được.

Là xã thuần nông của huyện vùng cao Mèo Vạc với gần 98,18% là đồng bào dân tộc thiểu số với tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 45%. Hiện nay, Nậm Ban đã có 2 hộ gia đình đầu tiên của xã cũng như toàn huyện tự nguyện làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Điều đáng quý là các hộ này đều là hộ gia đình với hoàn cảnh thực sự còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các hộ gia đình đều có một điểm chung là nhận thức được trách nhiệm nỗ lực vươn lên và ý thức trong việc sẻ chia, hỗ trợ với những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động của các cấp hội đã giúp bà con có thêm động lực, mạnh dạn để xin thoát nghèo.

Đồng chí Vương Ngọc Hà, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc gặp gỡ, tặng quà cho ông Sùng Mí Nô, thôn Vị Ke, xã Nậm Ban xung phong xin ra khỏi hộ nghèo. 

Có thể thấy, ở những bản, làng vùng sâu vùng xa hộ gia đình anh Na và ông Nô chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo ở xã Nậm Ban là những tấm gương sáng của lòng tự trọng. Đó cũng là hành động đẹp thể hiện sự sẻ chia với cộng đồng, với những hoàn cảnh thực sự khó khăn, thiếu thốn. Việc làm này thật đáng trân trọng và ghi nhận. Hi vọng rằng, trong thời gian tới, những lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo sẽ ngày một nhiều lên, được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện. Qua đó, góp phần loại bỏ dần tư tưởng trông chờ, dựa dẫm vào sự hỗ trợ của Nhà nước và đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo ở huyện vùng cao biên giới.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập