Cao nguyên đá huyện Mèo Vạc

Di sản địa chất trên Mèo Vạc

13/06/2014 00:00 808 lượt xem

Huyện Mèo Vạc nằm ở phía Tây của CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Mèo Vạc là nơi chứa đựng nhiều di sản địa chất của vùng cao núi đá. Có thể kể đến những di sản địa chất tiêu biểu nhất của Mèo Vạc là:

 Hẻm vực Tu Sản và cảnh quan thung lũng đứt gãy sông Nho Quế khu vực đèo Mã Pì Lèng. Hẻm vực Sông Nho Quế hình thành vào Kainozoi (cách ngày nay khoảng 32 triệu năm đến 15 triệu năm) theo cơ chế trượt bằng trái; đứt gãy hoạt động theo cơ chế trượt bằng phảii (cách đây khoảng 5,3 triệu năm) đã tạo nên hẻm vực sông Nho Quế hiện nay. Hẻm vực sâu 700 - 800m; dài 1,7km; vách dốc 70-900, là danh thắng kỹ vĩ nhất trên công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi đây được coi là hẻm vực sâu nhất Việt Nam và có thể là sâu nhất Đông Nam Á. Di sản kiến tạo - địa mạo này đã được mệnh danh là ”Đệ nhất hùng quan” và được các nhà khoa học xếp vào Tổ hợp di sản cấp quốc tế;

 

Ngoài ra, khu vực này còn có một chóp núi đá vôi rất độc đáo là Tháp Kim (thuộc xã Pả Vi), một biểu hiện điển hình của quá trình trẻ hóa địa hình karst đã tạo ra nơi đây cảnh quan vô cùng độc đáo. Trên vách taluy dương còn quan sát thấy những nếp gợn sóng trên lớp mặt  của đá vôi silic nhìn giống như dấu vết của những nếp sóng biển đã hóa thạch, các nhà khoa học lại cho rằng đó chính là những sản phẩm của quá trình nén ép kiến tạo vì đá vôii silic hệ tầng Si Phai thành tạo trong môi trường biển sâu, không thể hình thành hóa thạch.

 

Khu vực Khâu Vai-Lũng Pù: Nằm trên bề mặt san bằng 1.000-1.300m với cảnh quan hoang mạc đá điển hình, các khối karst dạng vòm, các nón rời kiểu fenglin và karst dạng dãy hướng Tây Bắc - Đông Nam và Đông Bắc - Tây Nam. Xen kẽ giữa chúng là các thung lũng thoải và hố sụt karst. Đây là những địa hình karst ở giai đoạn phát triển cuối cùng được bảo tồn từ thời kỳ Pliocene giữa (cách đây khoảng 2,5 đến 3,6 triệu năm). Về cổ sinh: tại ngã ba Lũng Pù, trong đá vôi hệ tầng Bắc Sơn đã phát hiện được một tập hợp hóa thạch phong phú gồm Huệ biển (Crinoidea), Cúc đá (Ammonoidea), San hô bốn tia (Tetracoralla) và Trùng thoi (Fusulinida). Ngoài ra, khu vực Lũng Pù còn là nơi có mặt khoáng sản bauxit nằm trực tiếp trên bề mặt bào mòn của đá vôi hệ tầng Bắc Sơn.

Nguồn tin: BQL CVĐC TC CNĐ Đồng Văn


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập